Có nhiều lý do khiến các nhà hàng sang trọng trên khắp thế giới thường phục vụ thực khách những món ăn với kích thước nhỏ, đối lập với chiếc đĩa đựng lớn.
Lý do đầu tiên là vì giá thành đắt đỏ. Tại các nhà hàng cao cấp, mỗi món ăn được bày trên đĩa đều là các nguyên liệu đắt tiền, là đồ nhập khẩu, được lựa chọn kỹ càng, tinh tế. Ví dụ, khoảng nửa kg thịt bò Wagyu có giá hơn 200 USD, 1 kg trứng cá muối là khoảng 10.000 USD. Một món ăn có cả 2 loại thực phẩm này và thêm nấm truffle Italy (khoảng 7.500 USD/kg) chắc chắn sẽ có giá rất cao. Do đó, việc bán các khẩu phần ăn nhỏ hơn sẽ giúp giảm giá thành mỗi món ăn khi đến tay thực khách.
Lý do thứ hai là về tính thẩm mỹ. Theo thời gian, xu hướng tối giản cũng xâm nhập vào thế giới ẩm thực và các nhà hàng cao cấp đã bắt đầu coi “nhỏ là thanh lịch”. Ít đồ ăn bày trên đĩa nhìn sẽ sang trọng, thanh lịch hơn.
Ngược lại, một đĩa đựng đầy thức ăn nhìn sẽ lộn xộn, trông kém thẩm mỹ hơn. Ngoài ra, phần ăn nhỏ dễ tạo kiểu, bày biện bắt mắt hơn. Nó sẽ góp phần thu hút thực khách bằng thị giác trước tiên, sau đó là vị giác.
Lý do thứ ba là giúp thực khách nếm được nhiều món hơn. Thông thường các nhà hàng phục vụ bữa ăn 3 món: Khai vị, món chính và món tráng miệng. Với một bữa ăn cao cấp, số lượng có thể lên đến 12 món, thậm chí 20 món khác nhau bao gồm món ăn nhẹ, khai vị, súp, salad, cá, món chính đầu tiên, một món ăn nhẹ để “tẩy vị” giúp thực khách cảm nhận được hoàn hảo hương vị của món chính thứ hai, phô mai, món tráng miệng, đồ uống, bánh ngọt…
Hãy tưởng tượng nếu tất cả những món này được phục vụ theo khẩu phần thông thường thì chắc chắn thực khách sẽ nhanh chóng no bụng trước khi nếm hết tất cả món. Đó là lý do các nhà hàng giảm lượng đồ ăn phục vụ.
Lý do thứ tư là các nhà hàng sang trọng đầu tư vào trải nghiệm ăn uống của thực khách. Đồng thời, đối tượng khách hàng đến ăn tại những địa chỉ này thường mong muốn tìm kiếm những hương vị và trải nghiệm độc đáo hơn là để no bụng. Với khẩu phần ăn nhỏ, họ sẽ được nếm thử nhiều loại đồ ăn khác nhau và có thể cảm nhận cũng như phân biệt được hương vị tươi ngon, tinh tế của từng món.
Một lý do nữa của việc phục vụ lượng đồ ăn ít là giúp thực khách không cảm thấy nhàm chán về món ăn. Những miếng cắn đầu tiên sẽ khiến bạn cảm thấy món ăn có vị ngon nhất. Vị giác của con người sẽ quen với một hương vị sau 4-5 lần nhai và sẽ trở nên ít nhạy cảm hơn. Các khẩu phần nhỏ sẽ tránh sự nhàm chán cho món ăn và giúp bạn ghi nhớ hương vị trong thời gian dài hơn. Do đó, các đầu bếp tập trung vào chất lượng món ăn hơn là khối lượng.
Món ăn Pháp Gargouillou.
Bên cạnh đó, mỗi món ăn được coi như một tác phẩm nghệ thuật của người đầu bếp. Đối với các nhà hàng đắt tiền, kỹ thuật nấu ăn đã phát triển thành sự pha trộn giữa thẩm mỹ, nghệ thuật và thiết kế. Như một tác phẩm nghệ thuật, các phần nhỏ hơn cho phép đầu bếp có đủ không gian trên đĩa để thể hiện ý tưởng.
Ví dụ với món ăn Pháp Gargouillou bao gồm ít nhất 16 loại rau được nấu riêng rồi sắp xếp lại trên đĩa sao cho đẹp mắt, nếu là một đĩa đầy rau, thay vì một phần nhỏ, đầu bếp sẽ không thể trang trí chúng một cách đầy nghệ thuật.
Lý do cuối cùng là lượng thức ăn ít làm tăng kỳ vọng. Các món đồ được bày bán với phiên bản giới hạn (điện thoại, túi xách,…) bao giờ cũng khiến người mua hứng thú và cảm thấy nó đặc biệt, sang chảnh hơn hàng bán đại trà. Cảm xúc tương tự này cũng xuất hiện khi bạn ăn uống.
Việc được cung cấp một khẩu phần nhỏ tạo cho thực khách cảm giác món ăn có chất lượng tốt, cao cấp. Đặc biệt là khi bạn nhìn thấy một số lượng nhỏ các nguyên liệu đắt tiền xuất hiện trên đĩa.
Việc được phục vụ khẩu phần nhỏ, nhưng nhiều món trong một bữa ăn cũng sẽ thôi thúc thực khách tò mò, chờ đợi món ăn tiếp theo. Sự mong đợi đó được nhiều người đánh giá là một phần thú vị và khiến trải nghiệm thưởng thức bữa ăn trở nên đáng nhớ hơn.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/tai-sao-cac-nha-hang-sang-trong-chi-phuc-vu-phan-an-nho-a528747.html